Lung linh cung

Gió Tàn Thu

Thể loại: Xã Hội

 

Diễn viên:

- Tài Linh: Phượng

- Vũ Linh: Tùng

- Diệp Lang: Phước

- Vũ Luân: Phan

- ....................

  • Xem video
  • Hình ảnh
  • Nội dung

“Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm nay sương lam mờ chân mây. Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng. Như nhớ thương ai chùng tơ lòng”.

 

Hơn hai mươi năm trước Phương – Tùng - Phượng cả ba là bạn thân, cùng học chung trường. Có lẽ Tùng yêu Phượng nhưng đó chỉ là tình yêu không lên tiếng gọi, mà lặng lẽ vương mang thân tù tội ái tình. Phương và Phượng kết hôn, họ sống hạnh phúc bên nhau và có hai đứa con là Phan và Nga.

 

Sau đó, Tùng cũng cưới vợ, có cô con gái là Hằng. Mọi chuyện cứ tưởng như nước xuôi dòng.

 

Phương bệnh nặng qua đời, bỏ vợ hiền con dại bơ vơ. Phượng nén đau thương nuôi dạy con. Nhờ tài sản vợ chồng tích góp, nên Phượng cũng không khó khăn gì trong cuộc sống kinh tế. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Phan con trai lớn của bà cũng đã học thành tài, đi làm và sắp cưới vợ, còn cô gái út cũng sắp bước vào đại học.

 

Tình yêu thuở niên thiếu năm nào ngỡ đã lụi tàn trong Tùng, nhưng không, nó vẫn cháy âm ỉ trong ông. Có phải chăng trời khéo sắp bày. Kẻ mất chồng, người mất vợ. Họ tìm đến với nhau để xoa dịu nỗi đau, để lúc tuổi về già có người sớm hôm hủ hỉ những khi tối lửa tắt đèn. Gánh nặng cuộc đời, ông muốn san sẻ cùng bà.

 

Nhưng chuyện tình này lại bị những đứa con ích kỷ của họ quyết liệt phản đối.

 

Nhất là Nga, cô không muốn mẹ san sẻ tình yêu cho người khác. Cô muốn mẹ phải dành hết tình yêu cho cô, cho anh hai, cho ông ngoại và nhất là phải chung thủy với người đã chết – cha của cô.

 

Dù Phượng có nói thế nào, Nga cũng không hiểu, cũng không muốn hiểu, như để chứng minh quyết tâm của mình Nga bỏ nhà, qua sống với ông ngoại.

 

Mấy ngày không gặp, ông Tùng lo lắng nên sang thăm Phượng. Nỗi khổ tâm chồng thêm thương nhớ làm tóc họ càng thêm sợi bạc. Ông Tùng đến nói lời từ biệt, vì Hằng – con gái ông cũng phản đối chuyện tình yêu giữa hai người. “Anh đi đâu, làm gì anh cũng không biết trước, nhưng chắc một điều là anh phải xa em. Xa con sông Tiền lấp lánh những đêm trăng, xa bóng dáng em đêm đêm ngồi hát”. Nghĩ đến cảnh phân ly, lòng ai không quặn thắt trăm chiều, trong lúc xúc động, Phượng tựa vào vai ông Tùng, vừa lúc để Nga về nhà bắt gặp. Cô không tiếc lời lên án, chỉ trích tình yêu mà cô cho là tội lỗi của ông Tùng, cô cho rằng chính ông đã quyến rũ mẹ cô. Nga như chú nhím con xù lông, không ngần ngại làm tổn thương đối thủ, để bảo vệ tình yêu thiêng liêng cao cả mà cô lo sợ sắp vuột khỏi tầm tay.

 

Cuối cùng, ông Tùng cũng dọn nhà lên Sài Gòn theo ý của Hằng. “Từ độ xa anh, cứ mỗi lúc trăng về là em ngồi tựa cửa, ngắm nước sông Tiền mà lòng nhớ thương anh”. Một năm trời xa cách, nay gặp nhau mà thương thương nhớ nhớ, cũng không khỏi ngậm ngùi xót xa “mình thương nhau nhưng lại không vượt qua được nghịch cảnh gia đình, đời đắng cay sao cứ đeo đuổi theo mình”. Cả hai thương nhau là muốn tựa nương lúc tuổi già, chớ nào phải vì tuổi đời bồng bột thế nhưng những đứa con của họ không chịu hiểu và thông cảm cho họ. Chúng chỉ nghĩ, chúng bị san sẻ tình thương mà không nghĩ rằng yêu thương sẽ nhân lên gấp bội.

 

Bảo đến nhà tìm Hằng, thì thấy Phượng cũng có mặt tại nhà ông Tùng. Anh không tiếc lời nặng nhẹ Phượng, vì cho rằng bà là nguyên nhân sẽ làm cuộc tình của anh cùng Hằng gặp sóng gió. Hằng về đến, cũng đứng về phía Bảo. Ông Tùng tức giận đuổi Bảo về.

 

Bảo về không lâu thì ông Phước – ba của Bảo và là anh chồng của Phượng cũng đến. Ông cũng cực lực phản đối chuyện tình này, không phải vì ông lo cho Phượng, mà chỉ lo sợ cái gia tài của Phượng sẽ lọt vào tay người khác.

 

Ông Phước nghĩ xấu ông Tùng thế nào cũng được, nhưng lại xúc phạm đến Phượng, khiến ông Tùng tức giận, ông quyết không gả Hằng cho Bảo. Ông không muốn con mình về làm dâu một ông già chồng hẹp hòi, ích kỷ. Thấy tình hình căng thẳng, Phượng khuyên can thì Phan đến.

 

Ông Phước dùng lời lẽ xa gần tác động Phan “bến vắng sắp có đò đưa, sẽ đi đi mãi không về, bỏ con và bỏ cả câu thề”. May Phan là người con có hiếu và hiểu chuyện hơn em mình nhiều, mẹ đã sống một đời vì hai anh em của anh, giờ mẹ anh sống là để được yêu thương, Phan sẽ không làm gì để mẹ phải buồn. Ý tứ của anh quá rõ ràng, khiến ông Phước tức giận bẽ mặt nên bỏ về.

 

Hình như hôm nay, nhà ông Tùng trở thành nơi “bàn đại sự”, những vị khách không mời đều lần lượt đến. Nga cùng Linh – vợ sắp cưới của Phan cũng đến.

 

Linh muốn hủy hôn, nếu như Phượng vẫn tiếp tục qua lại với ông Tùng. Lời lẽ vô phép của Linh khiến Phan bất ngờ, tức giận và khó xử một bên là người mẹ anh kính yêu, một bên là người anh yêu thương.

 

Thời gian lâu sau đó, ông Phước xuống tận Tiền Giang, tìm Phượng với ý định mượn hai mươi cây vàng để làm đám cưới cho Bảo cùng Hằng. Phượng không có, thì ông đòi bán đất hương hỏa của dòng họ. Vì hạnh phúc của hai cháu, Phượng nén đau mà ký giấy bán đất ông bà để lại và cũng khuyên Phan đồng ý ký giấy.

 

Từ ngày Phan lập gia đình, rồi ra riêng thì ít có thời gian về thăm mẹ, như lần này anh cùng Linh về rồi đi vội vã. Dù rất buồn, nhưng Phượng cũng không muốn làm ảnh hưởng đến công việc của con. Phan và Linh đi rồi, căn nhà lại trở nên trống vắng lạnh lẽo. Phượng chỉ biết gởi nỗi lòng của mình vào những trang nhật ký.

 

Giờ thì Phượng có thể thoải mái để những giọt nước đau khổ, mệt mỏi lăn dài trên má, chúng có thể tự do rơi ướt đẫm những trang nhật ký. Tùng lo lắng cho sức khỏe của Phượng, biết bà có bệnh thấp khớp nên đem thuốc đến cho bà. Đập vào mắt ông là những giọt lệ chưa khô vẫn còn trên má.

 

Đời ông sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có Phượng bên cạnh.

 

Nhưng đời Phượng sẽ vô nghĩa nếu không làm tròn bổn phận với các con.

 

Bà không thể chỉ nghĩ đến tình yêu của mình, mặc các con của bà, của ông Tùng phải khổ. Ông Tùng không hiểu được nỗi khổ tâm của Phượng, nên buông lời giận hờn. Hứa sẽ không bao giờ đến làm phiền bà nữa.

 

Thần kinh căng thẳng chưa kịp phục hồi, thì Hằng tìm đến, lý do cũng chẳng gì mới mẻ, cô gần như là yêu cầu Phượng tránh xa ba cô, nói chuyện thì không xem người lớn ra gì. Phượng đành thay ông Tùng dạy cho cô biết lễ nghĩa ở đời “Lời người có học như những nốt nhạc hay, bác không muốn cháu hạ mình làm những âm thanh hỗn tạp”. Hằng bị đuổi về.

 

Các con đã yên bề, gánh nặng trong Phượng cũng nhẹ phần nào.

 

Hằng lấy chồng, căn nhà trở nên trống vắng. Bên ông bây giờ, chỉ còn mỗi cây phượng trước sân, ngày ngày ông gọi phượng như gọi tên người yêu dấu, ông nhìn cây phượng mà ngỡ bóng dáng thân thương đang đứng cạnh mình. (mèn ui, lãng mạn quá)

 

Yêu thương tồn tại song song với giận hờn, Phượng đến thăm ông không vui, mà còn trách hờn “Nếu Phượng không còn gì hiện tại với tôi thì quá khứ ta xem như không có, kỷ niệm hãy trả về cho trăng gió, lưu luyến làm chi cho thêm nhớ thêm buồn”. Những lời ông Tùng làm Phượng vô cùng buồn khổ, bà cũng giận hờn “vậy là tôi đã lầm khi thương nhớ người ta, tôi đã hiểu sai về người mình lựa chọn”. Phượng buồn bã ra về chỉ để lại cho ông Tùng những giọt lệ chưa khô.

 

Các con của họ, giờ đều có cuộc sống, niềm vui và hạnh phúc riêng. Nào đâu hiểu nỗi khổ cô đơn của người già khi không được gần con cháu. Phượng chỉ biết ôm quyển nhật ký trong ngôi nhà lạnh lẽo mà khóc thầm nhớ thương các con, đúng lúc Phan gọi điện thoại về báo tin, Nga bỏ nhà ra đi bởi trong lúc tức giận Phan đã táng Nga một bạt tai vì cô có những lời lẽ nặng nề dành cho mẹ.

 

Nghe tin con bỏ nhà đi, không biết hiện ở nơi nào, mặc cho mưa gió, đêm khuya, Phượng chạy đi tìm con trong hoảng loạn và lo lắng tột cùng. Kết quả bà bị tai nạn gãy chân.

 

Suốt sáu tháng đó, ông Tùng là người luôn kề cận chăm sóc và lo lắng cho bà. Nhưng nghĩ đến cảnh rồi “mai đây em về Tiền Giang sống những ngày cô quạnh, bỏ lại Sài Gòn người mình nhớ mình thương. Chắc ai cũng buồn như người mình thương nhớ”.

 

“Sáu tháng bên nhau thời gian đâu phải là nhiều, nhưng tình nghĩa sâu xa đã trở thành kỷ niệm….. Tùng ơi, em về Tiền Giang anh ở lại Sài Gòn. Lòng anh có biết em vẫn còn thương anh”. Nghe những lời ai oán của người thương, mà tim ông Tùng nghe đau nhói. Hoàn cảnh gì sao lại cay đắng, khắc nghiệt. Nếu lần này lại chia xa, có lẽ chắc sẽ là mãi mãi.

 

Phan vào thăm mẹ cùng với quyển nhật ký, anh đã đọc, và Nga cũng cần phải đọc. Sóng gió rồi cũng qua đi, các con đã hiểu sự hy sinh và tấm lòng yêu thương như trời biển của người mẹ. Tình mẹ thương con sánh bằng biển lớn, chỉ càn khôn kia vốn không bờ không bến mới sánh với tình mẹ thương con vốn không tận không cùng.

 

Ông Tùng và Phượng giờ đã có thể an lòng hưởng chút hạnh phúc riêng tư hòa cùng hạnh phúc chung của các con.

 

“Ngày xưa công chúa kiệu vàng, quân vương thương quý cung vàng ngắm trăng. Ngày nay anh đẩy xe lăn, cho em phơi tóc bên anh mỗi chiều. Chở người chở cả tình yêu, đi trong thương nhớ, đường chiều đầy hoa. Trên cành rộn tiếng chim ca. Người ơi, có biết lòng ta thương người”.

 

Người kể: ~3mtl~

VIDEO CÙNG ALBUM KHÁC >
ALBUM VIDEO KHÁC >

Vị Đắng Đời Cha

Tiếng đờn ai oán, dìu dặt vọng về trong đêm thanh vắng. Tiếng đờn vừa lạ vừa quen, đưa hồn về miền ký ức xa xưa...

Vị Đắng Cuộc Đời

Vợ chồng Hùng và Hậu tuy nghèo nhưng sống rất tình nghĩa. Không còn cha mẹ bà con thân thuộc, anh chị xem Dũng như một đứa...

Vầng Trăng Trong Mưa

Sinh con và nuôi dạy con từ bé đến lúc trưởng thành, cha mẹ nào không muốn con mình có một cuộc sống đủ đầy hạnh phúc,...

Nước Suối Trường Sinh

Tù trưởng bộ lạc Hà Sơn – Kha Lân luôn lấy chinh chiếm làm niềm vui. Mọi chuyện bắt đầu từ khi ông cưới Y Miên –...

Như Núi Thái Sơn

"Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”   Không...

Ngôi Nhà Mơ Ước

Ngọc là con gái trong một gia đình khá giả, vì yêu Tâm nên cô từ chối cùng mẹ qua nước ngoài định cư. Nhưng ngờ đâu...

Mẹ

"Mẹ” - chỉ một từ thôi, một từ ngắn ngủi vỏn vẹn có hai chữ cái, nhưng lạ lùng thay, nó lại chứa đựng không biết...