Lung linh cung

Như Núi Thái Sơn

Thể loại: Xã Hội

 

 

Diễn viên:

- Tài Linh: Lựu

- Trọng Phúc: Trung

- Kim Tiểu Long: Hiếu

- .....................

  • Xem video
  • Hình ảnh
  • Nội dung
"Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
 

Không phải tự nhiên mà người đời lại đặt ra câu ca dao đó. Trong biết bao nhiêu thứ tình ở trên đời, có tình nào sâu đậm bằng, có tình nào vô điều kiện bằng tình cha mẹ giành cho con. Chín tháng mười ngày thai nghén, mang nặng đẻ đau, mẹ cho con mầm sống, nhưng không phải “trời sinh voi sinh cỏ”, làm sao đứa bé có thể tự lớn lên thành nhân, làm sao có thể như thế được khi cuộc sống quá chật vật, cha mẹ nó hàng ngày phải vất vả kiếm từng miếng cơm manh áo, mà thiên tai lại hoành hành mỗi năm. Ruộng mạ ngập nước lụt, mẹ đi mót từng thúng lúa, đào từng củ khoai về cho con. Con đau yếu, bệnh tật, cha tất tả chạy ngược chạy xuôi mong mượn được ít tiền liền cõng con đi chạy chữa. Người mẹ ấy chính là Lựu. Người cha ấy là Trung. Cảnh nghèo khổ đã đeo đẳng gia đình hai vợ chồng họ cùng bốn đứa con Hiếu, Thuận, Nghĩa, Tình từ khi bà nội của chúng (mẹ Trung) qua đời. Lúc ấy, Lựu mới chỉ mang thai con trai đầu lòng của họ (Hiếu) được vài tháng.

 

Nhưng thật ra, Lựu không phải là người Trung muốn cưới làm vợ. Cô chỉ là một cô gái quê hiền lành, chất phác, siêng năng, giỏi giắn mà mẹ anh đã chọn sẵn. Vì nghe lời mẹ, anh đành bỏ dở việc học của mình ở trời Tây và một mối tình đầy lãng mạn với cô bạn học xinh xắn để về cưới Lựu. Vì thế mà sau khi mẹ mất, anh đã toan bỏ đi. Nhưng vì đứa con đang tượng hình trong bụng Lựu, anh ở lại. Rồi sau đó ba đứa nữa lần lượt nối tiếp nhau ra đời như một sợi dây trói chân anh lại với gia đình, với con.

 

Phần Lựu, cô biết chứ, rằng cô đâu phải là người anh yêu, rằng cô chỉ là người thứ ba vô tình giành hạnh phúc của kẻ khác. Cô mang một mặc cảm rằng anh đã phải vì mẹ, vì con mà chịu đựng cuộc sống vợ chồng với cô. Vì thế với bản tính hiền lành, nhu mì và chút an phận sẵn có, cô luôn cam chịu, có buồn có tủi gì cũng nuốt vào trong mỗi khi thấy Trung ngồi tư lự. Còn Trung, chẳng biết trong lòng có thương Lựu hay không, nhưng cũng an ủi là anh luôn dịu dàng với vợ và là một người chồng, người cha có trách nhiệm. 

 

Chỉ tội là tội cho cái kiếp nghèo dai dẳng. Đến một ngày, bệnh của Hiếu trở nặng. Bác sĩ cho hay Hiếu bị viêm màng não, nếu không chữa trị kịp thời sẽ mất đi đôi chân và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trung với lý trí mạnh mẽ, đã thuận theo lời đề nghị của người bạn thân chí cốt của anh lúc du học ở Pháp, để anh ta đem Hiếu lên Sài Gòn chạy chữa. Lựu lòng đau như ai xé từng đoạn ruột, cô làm sao nỡ để đứa con núm ruột của mình mới có tám tuổi đầu, ốm yếu bệnh tật phải xa mẹ xa cha. Lòng người mẹ nào muốn như vậy chứ… Nhưng Trung tìm hết cách phân trần, cuối cùng Lựu cũng đành xuôi theo. Cảnh biệt ly sao mà đau lòng quá. Lựu ôm xiết con vào lòng như thể đó là cái ôm cuối. Hai đứa em nước mắt nhạt nhòa nhìn người đàn ông ẵm anh Hai đi. 

 

Năm ấy, lũ đổ về, lụt dâng cao, làng quê nhà cửa bị nhận chìm trong biển nước. Không thể bám lấy ruộng vườn được nữa, đau lòng lắm nhưng cả gia đình đành dắt díu nhau lên Sài Gòn mưu sinh. Trung chạy xe chở hàng, kiêm chân khuân vác. Lựu vừa lo săn sóc con, vừa cơm nước cho gia đình, lại thức khuya dậy sớm nấu xôi để ngày gánh đi bán.

 

Thế mà cũng chớp mắt qua mười lăm năm. Thuận đã đến tuổi lấy chồng, được gả vào một gia đình khá giả, nề nếp. Nhưng éo le thay, cha mẹ chồng đức hạnh mà chồng thì lại vướng vào con đường cờ bạc đỏ đen, bỏ bê vợ nên cuộc sống hôn nhân của Thuận nước mắt nhiều hơn nụ cười. Chồng Thuận còn lôi kéo luôn Nghĩa, lúc đó đang chuẩn bị thi tốt nghiệp, vào con đường ăn chơi theo mình. Con gái út là Tình còn đang đi học, nhưng vì thấy anh Nghĩa diện đồ bảnh, lại có vẻ sành đời nên cũng bắt đầu nhen nhúm, ấp ủ đua đòi.

 

Mười lăm năm trôi qua là mười lăm năm nhớ thương, không một giờ phút nào Lựu không nghĩ về đứa con bất hạnh từ nhỏ đã không được sống trong vòng tay ấp ủ của cha mẹ. Cô ngỡ như đã chết đi từ năm xưa khi nghe tin bác sĩ ở Sài Gòn không cứu được Hiếu và bạn của Trung quyết định đưa Hiếu sang Pháp chữa trị. Lựu hận Trung đã dối cô, vì anh đã biết trước giao con cho bạn là anh ta sẽ đưa Hiếu đi luôn nhưng anh lại giấu. Chỉ cho đến khi nhận được lá thư đầu tiên Hiếu viết về, cô mới nguôi cơn giận.

 

Giờ đây, Hiếu đã ra trường và là một chàng thanh niên có chí, siêng năng, hiếu thảo. Trong lúc đi học anh đã cố gắng dạy kèm, dành dụm được số tiền ba ngàn đô, anh gửi về cho ba mẹ để lo trang trải cuộc sống, để ba không còn phải chạy xe tăng ca, mẹ không còn phải gánh xôi ra chợ bán.

 

Nhưng ngờ đâu, số tiền chưa tới được tay ba mẹ thì đã bị Nghĩa chận lấy hết, xong lấy cớ ra ở với bạn ở ký túc xá rồi cùng với anh rể tiêu xài phung phí, cờ bạc đỏ đen cho hết số tiền. Nghĩa còn định sẽ tiếp tục ăn chặn những đợt tiền sau Hiếu gửi về. Vì thế sau khi xài hết tiền, Nghĩa đã tiếp tục mượn nợ của bọn anh chị giang hồ, để rồi sau đó bị đến nhà đòi nợ. Bọn chúng gặp Trung, Trung lớn tiếng la mắng đuổi đi thì chúng rút dao đâm anh một nhát. Nghĩa hoảng sợ bỏ chạy. Cũng may là kịp thời cấp cứu nên vết thương của Trung không trầm trọng lắm.

 

Cha mẹ cả một đời tảo tần vì con, mà vô phúc đứa con nỡ lòng nào xem những đồng tiền mồ hôi nước mắt, máu xương đó là những đồng tiền từ trên trời rơi xuống. Tất cả những phiền muộn lại một lần nữa làm thân xác Lựu héo gầy, sức cùng lực kiệt vì những lao tâm lao lực cô đã gánh lấy hơn mười lăm năm qua. Cô ngã bệnh.

 

May sao, rồi cũng tới ngày Hiếu trở về. Nhìn mẹ xanh xao hao gầy anh bật khóc. Còn Lựu cũng khóc nhưng đó là những giọt nước mắt trùng phùng hạnh phúc, những giọt nước mắt nhớ thương cuối cùng. Đó, mẹ lúc nào cũng dạt dào cảm xúc như vậy. Còn cha, thâm trầm hơn dù lòng thương con cũng vô bờ bến. Cha chỉ nhìn, mà trong ánh mắt dấy lên niềm vui.

 

Hiếu về, việc Nghĩa ăn chận ba ngàn đô cũng đổ bể. Nhưng rồi Nghĩa cũng ăn năn hối lỗi, quay về quỳ mà tạ tội trước cha mẹ. Lòng cha mẹ thương con như trời bể, dù đó là đứa con hoang đàng tới đâu thì khi nó quay về, cha mẹ cũng dang rộng vòng tay đón lấy và tha thứ. Chỉ có tình thương mới thay đổi được con người.

 

Hiếu về, lại vô tình khám phá ra được mẹ nuôi của anh bao nhiêu năm qua chính là người yêu năm xưa của cha mình. Rồi Lựu cũng vô tình biết được điều đó khi nhìn vào sợi dây chuyền Hiếu đang đeo ở cổ, chính là kỷ vật của mẹ Trung mà Trung đã tặng người yêu trong hôm chia tay trước khi anh rời Pháp, rồi nó cũng được chính mẹ nuôi tặng lại cho Hiếu. Nhìn thấy nó, Lựu hiểu hết, nhưng cô không ghen hờn gì cả. Còn ghen còn hờn gì khi bao nhiêu năm qua người đàn ông ấy - chồng cô, đã hết lòng vì vợ vì con. Ôi, nếu Trung cao thượng sáu bảy phần, thì Lựu phải cao thượng đến mười. Đẹp làm sao những tấm lòng luôn nghĩ về nhau. Hạnh phúc không phải là mình nhận được gì, mà nó đến từ chính những cái ta cho đi.

 

Và giờ đây, giấc mơ thuở nào của Lựu đã trở thành hiện thực. Hiếu dồn hết tiền anh dành dụm được mua đất, xây một căn nhà lớn, một căn nhà hạnh phúc cho cha mẹ và các em. Khánh, chồng của Thuận, cũng ăn năn hối cải, rời xa con đường bài bạc, trở về với vợ. Cả gia đình lại được sum họp đầm ấm bên nhau.

Người kể:  ~MuaBui ~

VIDEO CÙNG ALBUM KHÁC >
ALBUM VIDEO KHÁC >

Vị Đắng Đời Cha

Tiếng đờn ai oán, dìu dặt vọng về trong đêm thanh vắng. Tiếng đờn vừa lạ vừa quen, đưa hồn về miền ký ức xa xưa...

Vị Đắng Cuộc Đời

Vợ chồng Hùng và Hậu tuy nghèo nhưng sống rất tình nghĩa. Không còn cha mẹ bà con thân thuộc, anh chị xem Dũng như một đứa...

Vầng Trăng Trong Mưa

Sinh con và nuôi dạy con từ bé đến lúc trưởng thành, cha mẹ nào không muốn con mình có một cuộc sống đủ đầy hạnh phúc,...

Nước Suối Trường Sinh

Tù trưởng bộ lạc Hà Sơn – Kha Lân luôn lấy chinh chiếm làm niềm vui. Mọi chuyện bắt đầu từ khi ông cưới Y Miên –...

Như Núi Thái Sơn

"Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”   Không...

Ngôi Nhà Mơ Ước

Ngọc là con gái trong một gia đình khá giả, vì yêu Tâm nên cô từ chối cùng mẹ qua nước ngoài định cư. Nhưng ngờ đâu...

Mẹ

"Mẹ” - chỉ một từ thôi, một từ ngắn ngủi vỏn vẹn có hai chữ cái, nhưng lạ lùng thay, nó lại chứa đựng không biết...