Lung linh cung

Xin Cho Em Mùa Xuân

Thể loại: Xã Hội

 

Diễn viên:

- Tài Linh: cô giáo Hạnh

- Kim Tử Long: thầy giáo Vinh

- Thanh Hằng: bà Tám Lâu

- Mỹ Linh: bé Đào

- ....................

  • Xem video
  • Hình ảnh
  • Nội dung
Hơn hai mươi năm trước khi cuộc sống đất nước ta còn vô vàn những khó khăn, thiếu thốn từ đời sống vật chất đến tinh thần. Nhất là vùng sâu vùng xa chuyện đơn giản như đi học, thế mà đối với nhiều trẻ em đó là niềm mơ ước xa vời. Chính vì thế mà Hạnh rời bỏ Sài Gòn hoa lệ tự nguyện xuống tận miền cù lao heo hút tìm đến các em nhỏ, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn. Hạnh muốn đem con chữ, đem những gì mình học được truyền dạy cho các em.
 

Đối với các em nhỏ xứ cù lao này, Hạnh đến như mang theo tia sáng. Tia sáng của hạnh phúc, tia sáng của tương lai. Hạnh không chỉ là cô giáo mà còn là cô tiên nhỏ trong lòng các em. Hạnh luôn tận tình, dịu dàng, chu đáo, tận tâm, tận lực bằng mọi cách để các em được đến trường. Trong các em nhỏ, có bé Đào – cô bé khiến cho Hạnh có nhiều trăn trở, suy tư nhất.

 

Bé Đào sớm mồ côi cha mẹ, năm anh em, mỗi người cho những gia đình khác nhau nuôi. Có lẽ, bé Đào xấu số nhất được bà Tám Lâu nhận nuôi. Nhìn sơ qua, cứ nghĩ bà Tám Lâu là người có tấm lòng từ tâm xót thương hoàn cảnh của bé Đào. Nhưng chủ ý sâu xa chính là có người trông coi việc nhà việc cửa, có người phục dịch. Tuy bé Đào làm quần quật suốt ngày vẫn chưa vừa lòng, đôi khi bà Tám Lâu còn ra tay hành hạ đánh mắng chẳng thương tình.

 

Nhìn các đứa trẻ khác ngày ngày đến lớp, bé Đào cũng muốn lắm nhưng không được sự đồng ý của bà Tám Lâu, ước mơ đến trường bé Đào chỉ có thể gieo mầm trong suy nghĩ. Biết được hoàn cảnh hiện tại của bé Đào, Hạnh chẳng nề hà vất vả, buổi tối đến tận nhà bà Tám Lâu dạy riêng bé Đào chữ T, chữ L.

 

Bà Tám Lâu quanh co, nói xa nói gần không muốn cho bé Đào học chữ, đối với bà bé Đào mù chữ càng tốt, ngu khờ càng tốt để bà có thể dễ dàng sai bảo. Nhìn bà Tám Lâu đối xử với bé Đào, Hạnh rất xót xa. Cách bé Đào nhìn Hạnh như đặt hết niềm tin và hy vọng Hạnh càng đau lòng hơn. Hạnh cố năn nỉ, cố thuyết phục bà Tám Lâu cho bé Đào được đến lớp, không thì Hạnh tình nguyện đêm đêm đến nhà dạy cho bé Đào biết đọc, biết viết. Tiếc thay, Hạnh có nói thế nào, bà Tám Lâu cũng không thay đổi quyết định mà còn nặng nhẹ Hạnh đủ điều.

 

Mặt khác, Vinh –  người yêu của Hạnh xuống thăm, nhìn thấy cuộc sống thiếu thốn nơi cù lao heo hút, anh không khỏi đau lòng xót dạ cho người yêu. Vinh một, hai muốn Hạnh về Sài Gòn. Hạnh chưa biết tính thế nào, Hạnh không đành lòng bỏ mặc những đứa học trò bé bỏng tội nghiệp. Lúc này Vinh lại phát hiện vali đồ của anh và Hạnh không cánh lại bay mất. Điều này càng khiến Vinh bực tức, càng có cái nhìn xấu hơn về những đứa trẻ ở vùng cù lao heo hút này.

 

Bà Tám Lâu muốn ngăn cản việc Hạnh đến dạy bé Đào, muốn Hạnh nản lòng mà quay về. Bà đã sai Bằng lấy cắp vali đồ và cưa cây cầu khỉ hầu ngăn cản bước chân Hạnh.

 

Cứ ngỡ, Hạnh đã chìm dưới lòng sông, may có Vinh cứu kịp. Tức giận, nói thế nào Hạnh cũng không chịu theo anh về Sài Gòn. Vinh bỏ về một mình, nhưng chân bước đi mà lòng cứ bảo quay lại vì nơi ấy đang có người con gái anh yêu. Lần nữa Hạnh đứng trước sự lựa chọn giữa tình yêu dành cho Vinh và tình yêu dành cho các em nhỏ.

 

Không muốn Hạnh bỏ về Sài Gòn, bỏ mặc mình, bỏ mặc các bạn. Bé Đào đã đi khắp nơi trong làng tìm lại vali đồ của Vinh và Hạnh. Bà Tám Lâu cùng Bằng sợ chuyện bị phát hiện, liền đổ tội cho bé Đào là ăn cắp. Hai người lớn chẳng chút tình người cùng nhau ức hiếp một đứa bé đáng thương. Bé Đào làm sao nói lại hai người xấu xa đó, ức lòng bé Đào nhảy xuống sông bơi ra tận giữa dòng.

 

Trước hành động bất ngờ của bé Đào, khiến những người đứng trên bờ rất lo sợ. May lúc này Hạnh, Vinh đến. Giờ đây chỉ có Hạnh, một mình Hạnh là có thể gọi bé Đào quay vào bờ. Nhìn bé Đào mỗi lúc càng bơi ra xa, tim Hạnh như thắt lại, cô nghẹn ngào gọi bé Đào. Nhờ có Hạnh, như tìm được cho mình chỗ dựa tinh thần bé Đào mới chịu bơi vào bờ. Đến lúc này, bé Đào cũng đã kiệt sức, ôm bé Đào trong lòng, nước mắt Hạnh giàn giụa. Hạnh nghe tim mình đau nhói, cô không thể, cũng không muốn bỏ đi, với lương tâm cùng trách nhiệm và một trái tim đầy nhiệt huyết tình thương Hạnh cần phải ở lại. Ở cái nơi heo hút, nghèo nàn này tiếp tục ngày ngày đứng trên bục giảng góp nhặt từng chút từng chút kiến thức cho các em.

 

Vinh giờ cũng đã hiểu, đành tạm xa nhau một thời gian. Anh và cô tuy ở hai nơi khác nhau nhưng sẽ đi chung một con đường, con đường hướng tới tương lai của những “chú chim nhỏ”.

 

Cuối cùng bà Tám Lâu cũng đã nhận ra việc làm sai trái của mình. Bà hứa sẽ cho bé Đào đi học, có lẽ từ đây cuộc sống của bé Đào sẽ bước sang một trang mới tươi sáng hơn.

 

“Sáng hôm nay thích quá, tim tím lục bình trôi, rủ nhau ta đi học, rủ nhau ta đến trường. Có chú chim nho nhỏ bay thấp xuống nhành tre, bay qua qua nhánh bần, bay sang sang nhánh dừa, kêu đến trường bạn ơi, bạn ơi là bạn ơi.”

Người kể: ~3mtl~

VIDEO CÙNG ALBUM KHÁC >
ALBUM VIDEO KHÁC >

Vị Đắng Đời Cha

Tiếng đờn ai oán, dìu dặt vọng về trong đêm thanh vắng. Tiếng đờn vừa lạ vừa quen, đưa hồn về miền ký ức xa xưa...

Vị Đắng Cuộc Đời

Vợ chồng Hùng và Hậu tuy nghèo nhưng sống rất tình nghĩa. Không còn cha mẹ bà con thân thuộc, anh chị xem Dũng như một đứa...

Vầng Trăng Trong Mưa

Sinh con và nuôi dạy con từ bé đến lúc trưởng thành, cha mẹ nào không muốn con mình có một cuộc sống đủ đầy hạnh phúc,...

Nước Suối Trường Sinh

Tù trưởng bộ lạc Hà Sơn – Kha Lân luôn lấy chinh chiếm làm niềm vui. Mọi chuyện bắt đầu từ khi ông cưới Y Miên –...

Như Núi Thái Sơn

"Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”   Không...

Ngôi Nhà Mơ Ước

Ngọc là con gái trong một gia đình khá giả, vì yêu Tâm nên cô từ chối cùng mẹ qua nước ngoài định cư. Nhưng ngờ đâu...

Mẹ

"Mẹ” - chỉ một từ thôi, một từ ngắn ngủi vỏn vẹn có hai chữ cái, nhưng lạ lùng thay, nó lại chứa đựng không biết...